SUN PROTECTION GUIDE – PART 1

Thật khổ cho các công ty, cho nhân viên ở nhà để tránh covid giờ lại lo nhân viên ở nhà bị trầm cảm. Mấy nay ngày nào tớ cũng phải ngồi nghe webinar làm sao cho bớt buồn lo. Chú psychologist khuyên ở nhà muốn tránh buồn chán hãy làm chuyện có ích cho đời. Có mục đích sống sẽ đỡ cuồng chân (đi chơi) và cuồng tay (sắm đồ). Nên giờ tớ sẽ trả lời những câu hỏi về kem chống nắng bạn…chưa từng hỏi. Vậy mới đi trước thời đại.

Sự thật là mấy câu bạn thường hỏi tớ không biết trả lời. “Tìm đâu kem chống nắng vừa chống UVA bá đạo, vừa không nhờn, không trắng mặt, không gây mụn, không cồn, không cay mắt, không hại san hô, môi trường, các dân tộc ít người…mà phải rẻ và dễ kiếm nữa nha”. Tìm ở năm 2025 á bạn…

#1 CHỐNG NẮNG LÀ CHỐNG CÁI GÌ MỚI ĐƯỢC?

Là chống tác hại do bức xạ từ ông mặt trời. Mặt trời phát bức xạ với các bước sóng và tần suất khác nhau. Cái bạn thấy được chỉ là 1 phần nhỏ xíu xiu. Tia nắng mặt trời chạm được tới trái đất gồm khoảng 50% tia hồng ngoại (infrared), 40% tia khả biến (visible light) và 3-5% tia cực tím (ultraviolet).

Dù chỉ chiếm 1 phần nhỏ nhưng khi nghĩ tới chống nắng bạn sẽ nghĩ ngay tới tia cực tím (Ultraviolet) là vì tia có bước sóng càng ngắn thì năng lượng càng cao nên tác hại càng nhiều. UV tuy nhỏ nhưng có võ. Cho tới giờ tác hại của tia UV lên da được nghiên cứu kĩ nhất nhưng không có nghĩa những tia còn lại không hại. Tia khả biến và hồng ngoại tuy ít năng lượng hơn nhưng số lượng bù chất lượng nên cũng nguy hiểm khôn lường.

Như bạn thấy trong hình đó, tia UV nằm ngoài khúc nhìn thấy được (visible light) nên đừng ỷ y khi thấy trời mây mù. Nó vẫn đầy ra đấy thôi. Trong tia UV, UVA và UVB hay được nhắc tới vì UVC được lớp ozone hấp thụ rồi. Quan trọng hơn nữa là UVA hay UVB không phải là 1 tia mà là tên gọi chung cho chùm tia có bước sóng trong khoảng nhất định. KCN chống UVB không có nghĩa là nó chống tất cả tia UVB ở mọi bước sóng khác nhau. Đó là lí do tại sao mình phải đọc thành phần vì mỗi hoạt chất chống nắng hoạt động ở 1 phổ nhất định.

#2 UVA1, UVA2, UVB LÀ CÁI CỦA NỢ GÌ?

UVB:

UVB trước tại dễ hơn. UVB là các tia có bước sóng trong khoảng 290nm – 320nm. Bước sóng ngắn năng lượng rất cao nên đụng vô là cháy. UVB là thủ phạm làm cháy da, tăng sắc tố và gây ung thư da nữa. Ơn trời là UVB chủ yếu tác hại lên bề mặt da chứ ko len lỏi sâu như UVA. UVB trời nắng có nhiều hơn trời râm, mùa hè nhiều hơn mùa đông. Đỉnh điểm UVB trong ngày là từ khoảng 10h tới 4h chiều. Chỉ số chống nắng SPF là đo độ bảo vệ trước tia UVB. Khi nào tới SPF tớ sẽ nói rõ hơn về cách đo và cách đọc.

UVA:

Chị này chiếm tới tận 95% tia UV. Ở đâu cũng nhiều cũng đều ngang nhau nên chạy trời ko khỏi bả. Vì bước sóng dài nên chân đi khó cản. Mây ko cản nổi, cửa kính ko cản nổi, da người cũng ko luôn. UVA thấm qua bề mặt da thầm lặng “bẻ gãy” DNA tiêu diệt tế bào da nên là thủ phạm chính gây nên nếp nhăn và lão hoá. UVA còn làm rối loạn hoạt động của melanin gây tăng sắc tố. Tác hại của UVA tuy ko đập vào mặt như UVB nhưng lại tích luỹ qua năm tháng và khó phục hồi hơn. UV nào thì cũng có thể gây ung thư da.

UVA được chia làm 2 loại: UVA 1 có bước sóng từ 340nm tới 400nm (long rays), UVA2 từ 320nm tới 340nm (short rays). Giữa 2 cái này thì UVA1 hại hơn vì bước sóng dài hơn. Chỉ số PPD hay PA++++ đều dựa trên độ bảo vệ trước UVA2 nên bạn thấy đó, dù khá hơn SPF, đây cũng ko phải là 1 chỉ số hoàn hảo. Tin mừng là kem chống nắng thường sử dụng nhiều hoạt chất khác nhau để tăng độ bảo vệ. Tuy vậy, ko phải kem chống nắng nào cũng tốt ngang nhau vì các hệ thống phân loại hiện tại tuy dễ hiểu nhưng có nhiều lỗ hổng.

Bài tới: CHỈ SỐ CHỐNG NẮNG NÀO TỐT NHẤT? TỚ CHỌN KCN NHƯ THẾ NÀO?

1 bình luận về “SUN PROTECTION GUIDE – PART 1

Bình luận về bài viết này